Phát triển thị trường nội địa trong xu hướng hội nhập

Thứ ba - 16/07/2019 22:09
           Trong xu hướng hội nhập kinh tế Quốc tế hiện nay, công tác đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã đạt được những đột phá quan trọng, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
bac9078 1561913581260686300368
Ảnh: VnEconomy

Trong thời gian qua ta đã hoàn tất đàm phán ký kết các FTA với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á Âu, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP); hiện ta đang thúc đẩy tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA với Châu Âu. Phối hợp quan điểm với các thành viên đang phát triển APEC, đặc biệt là ASEAN, nhằm đóng góp vào các nội dung và lĩnh vực hợp tác phù hợp với lợi ích của đất nước. Các FTA được thực thi đã và đang tạo ra xung lực quan trọng cho phát triển kinh tế, thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Thị trường gần 100 triệu dân của chúng ta được mở cửa theo hiệp định, trong đó có thị trường rộng lớn của vùng nông thôn miền núi, làn sóng hàng hóa các doanh nghiệp nước ngoài “tràn” vào thị trường bán lẻ Việt Nam là nằm trong lộ trình cam kết tự do hóa hội nhập và sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh trên thị trường trong nước sẽ ngày càng gay gắt. Song, dù hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều nhưng sản phẩm của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều lợi thế khi người tiêu dùng bên cạnh việc quan tâm đến yếu tố giá cả, chất lượng còn chú trọng đến nguồn gốc quốc gia, do vậy cơ hội để hàng Việt tự khẳng định mình cũng là rất lớn. Chính vì thế, trong thời gian tới ngành Công Thương và doanh nghiệp cần quan tâm đến một số nội dung sau:
           Một là: Sở Công Thương triển khai, thông tin, hướng dẫn cho các Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước từ các chương trình, dự án, đề án của Bộ Công Thương, cụ thể như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa thuộc chương trình XTTM Quốc gia. Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia. Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chương trình khuyến công Quốc gia. Dự án đảm bảo an toàn thực phẩm. Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đề án phát triển thương mại nông thôn…
           Hai là: Sở Công Thương Đắk Lắk, tổ chức Khuyến công,  XTTM thực hiện đồng bộ các hoạt động khuyến công,  xúc tiến thương mại tiêu thụ hàng Việt, cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các loại hàng hóa, thông tin thị trường giá cả, nhu cầu, các quy định, tiêu chuẩn, chuẩn mực hàng hóa về bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm... để tăng tính cạnh tranh của hàng Việt, định hướng thị trường, định hướng sản xuất; giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thông tin về, dịch vụ tiêu dùng và đưa ra lựa chọn hàng Việt hợp lý.
           Ba là: Đối với doanh nghiệp, việc mở rộng, phát triển thị trường trong nước ổn định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất tiếp tục phát triển. Tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng cũng cần phải song hành thị trường nội địa; thị trường nội địa là thị trường tiềm năng, điều này đã được chứng minh trong nhiều năm qua. Không phát triển thị trường nội địa thì đến lúc gặp khó khăn trong xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ không có chỗ đứng trên sân nhà, đặc biệt là trong xu hướng hội nhập hiện nay. Các doanh nghiệp nên có chiến lược phát triển thị trường nội địa. Nếu doanh nghiệp chỉ “đứng bằng một chân” thì phát triển sẽ không bền vững”
           Bốn là: Doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng Việt, giữ vững  thương hiệu hàng Việt góp phần tăng giá bán hàng Việt trên thị trường trong nước và quốc tế. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng của hàng Viêt đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường để có thể chiếm lĩnh được thị trường nông thôn, trong nước rộng lớn, vượt qua thương hiệu hàng hóa nước ngoài. Việc hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng có quy mô lớn, tăng cường xây dựng các chuỗi cung ứng giữa thành thị và nông thôn là cơ sở ban đầu để hình thành các thương hiệu mạnh của hàng Việt. Do vậy, xây dựng thương hiệu  đăng ký nhãn hiệu hàng hoá là vấn đề hết sức cấp bách, cần thiết khi hàng Việt của chúng ta có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.
           Năm là: Trong thời gian tới ngành Công Thương tiếp tục bám sát các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương, sự chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh phối hợp cùng các ngành, địa phương đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” . Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về việc xây dựng nhãn hàng hóa, tạo dựng và quảng bá hình ảnh của đơn vị mình. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ chuyên ngành, chương trình kết nối giao thương, chương trình hàng Việt về nông thôn …, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước, từng bước tiếp cận với giải thưởng doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia.
           Cuối cùng là: Nhà nước không làm thay doanh nghiệp nhưng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các chính sách và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế để doanh nghiệp phát triển thị trường nông thôn, thị trường trong nước, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ cụ thể như một ví dụ là “Chương trình Thương hiệu Quốc gia” mà Bộ Công Thương đang triển khai. Tuy nhiên, nỗ lực của chính bản thân các doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định để thương hiệu của sản phẩm hàng Việt được đứng vững thị trường trong nước và được công nhận trên trường quốc tế.
Một số hình ảnh Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm của tỉnh Đắk Lắk:
f227da5ce58001de5891
eb6ed096f74a13144a5b
75f666eb4137a569fc26

Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - Phó giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây