Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 15/04/2018 23:27
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) từng đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, mười một quốc gia còn lại, dẫn đầu bởi Nhật Bản, đã tái đàm phán và hoàn thành sửa đổi văn bản hiệp định trong tháng 1/2018 và có tên mới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Gọi tắt là CPTPP, hay còn gọi là TPP-11).
Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được ký kết trưa 8/3 tại Santiago, Chile. CP TPP có quy mô kinh tế không lớn như TPP trước đây. Nhưng với bối cảnh quốc tế hiện nay vẫn được coi là nền tảng quan trọng để định hình các mối quan hệ mới trong khu vực và đem lại các lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp các nước thành viên. Đồng thời, CP TPP cũng tạo ra tiền đề để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực, trong đó bao gồm cả khả năng Hoa Kỳ quay trở lại trong thời gian tới.
CPTPP sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau khi được 6 nước thành viên thông qua. Dự kiến, CPTPP sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019. Đây là hiệp định thương mại toàn diện, đa phương và quan trọng đầu tiên được ký kết kể từ đầu thập kỷ 90; tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là hiệp định chưa từng có tiền lệ và sẽ mang lại rất nhiều cơ hội thâm nhập thị trường rộng lớn với 500 triệu dân, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Cụ thể hiệp định này sẽ nâng mức tăng trưởng kinh tế của các thành viên thêm 1% mỗi năm; là dấu hiệu cho thấy châu Á sẽ vươn lên, thay thế Mỹ, trở thành người lãnh đạo của thương mại tự do toàn cầu.
Tác động của CPTPP không dừng lại trong nội bộ các nước thành viên mà còn hướng đến việc xây dựng hệ thống thương mại cởi mở, tự do, đa phương dựa trên một số nguyên tắc nhất định. Một số nền kinh tế ứng viên có thể kể đến như Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Sri Lanka và kể cả Anh; 25 Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mỹ hối thúc Tổng thống Trump quay lại với TPP vì TPP làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ tại thị trường với hơn 500 triệu dân ở Châu Á - Thái Bình Dương và Tổng thống Donald Trump từng đề cập đến khả năng sẽ quay lại TPP với điều kiện Mỹ đạt được một thỏa thuận tốt hơn
CPTPP mang lại nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước thành viên mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia – đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh. Trong đó đáng kể là việc doanh nghiệp thiếu hiểu biết về những cơ hội thuế quan, về điều kiện quy tắc xuất xứ để được hưởng thuế ưu đãi. CPTPP có tác động rất tích cực cho Việt Nam thông qua các các hoạt thương mại và đầu tư: tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh như chính trị, đối ngoại, kinh tế... Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 1,32%, xuất khẩu tăng thêm 4%. Theo hiệp định này, 100 % dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm, nhưng riêng với Việt Nam được dành lộ trình 7 đến 10 năm.
Các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội cần phải nắm bắt được những kiến thức cơ bản về CPTPP, từ đó xây dựng cho đơn vị mình một chiến lược kinh doanh trong bối cảnh hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng; chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo hình ảnh sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp; tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng, với tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.
Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công thương Đắk Lắk