Ngành nghề được hỗ trợ đều gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương, nên góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm; Việc triển khai thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công được đánh giá đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn, phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện của một số đề án chưa theo đúng kế hoạch dẫn đến phải điều chỉnh, thay đổi, khó khăn lớn nhất đối với việc triển khai các hoạt động khuyến công hiện nay là các đối tượng thụ hưởng hỗ trợ đa phần là cơ sở sản xuất và doanh nghiệp siêu nhỏ, hoạt động nhỏ lẻ, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó khăn trong việc đổi mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao vào sản xuất. Có nhiều sản phẩm của các cơ sở CNNT làm ra chưa theo kịp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng; thị trường tiêu thụ chưa chủ động. Số lượng cơ sở CNNT nhiều, nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác khuyến công. Bên cạnh đó, các văn bản chính sách trong lĩnh vực khuyến công mặc dù đã được bổ sung, sửa đổi vẫn chưa theo kịp với yêu cầu thực tế. Công tác khảo sát nhu cầu cũng như tiếp cận các cơ sở CNNT còn hạn chế do đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công thiếu.
Từng bước gỡ khó, nâng cao hiệu quả công tác khuyến công
Thực hiện Nghị quyết số 154/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về chương trình khuyến công tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 -2020. Theo đó, trên cơ sở các ngành nghề được hưởng hỗ trợ quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, các địa phương xây dựng, đăng ký đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm nhằm tạo bước chuyển rõ rệt cho sự phát triển. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố và liên kết giữa các khu vực để trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động khuyến công nhằm phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương.
Mặc dù gặp nhiều bất cập nhưng thời gian qua trung tâm KC đã từng bước gỡ khó, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, Trung tâm KC cùng với các địa phương đã, đang triển khai xây dựng và tổ chức thí điểm một số đề án khuyến công địa phương mang tính trọng tâm, trọng điểm, có sự lan tỏa lớn. Tập trung vào các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu và các ngành nghề chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đề án, từ đó có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, nhằm tạo ra những phát triển đột phá mới, đóng góp hiệu quả vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đề ra.
Bên cạnh đó, Trung tâm KC tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác KC ở cấp tỉnh, huyện, đặc biệt là công tác đào tạo, tập huấn. Việc xây dựng các chương trình, đề án KC cần được tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT, quan tâm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để các đề án KC tạo nên chuỗi giá trị trong một số ngành, lĩnh vực là thế mạnh điển hình của địa phương.