Hội thảo “Cập nhật các vấn đề liên quan tới các FTA trong khuôn khổ ASEAN và quy các xuất xứ theo các FTA”

Thứ ba - 05/11/2024 04:16
Chiều ngày 5/11/2024, tại Phòng Hội trường Hoàn Kiếm, Khách sạn Hòa Bình, Số 27 Lý Thường Kiệt, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhằm hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, khai thác thông tin cập nhật các định hướng, chủ trương, chính sách, quy tắc xuất xứ hàng hóa và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc đàm phán và thực thi các FTA trong khuôn khổ ASEAN, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Châu Á - Chuyên đề: Cập nhật các vấn đề liên quan tới các FTA trong khuôn khổ ASEAN và quy tắc xuất xứ theo các FTA.
Tham gia Hội thảo có Ông Quyền Anh Ngọc, Trưởng Phòng ASEAN, Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công Thương; Ông Hoàng Đức Minh, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương; Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia; Ông Khổng Quốc Minh, Tiến sỹ, Cục Sở Hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ.
Tại Hội thảo Ông Quyền Anh Ngọc, Trưởng Phòng ASEAN, Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công Thương trình bày cam kết trong Hiệp định RCEP về các nước cam kết xóa bỏ, cắt giảm thuế nhập khẩu, không cam kết đối với thuế xuất khẩu; Mở cửa thị trường hàng hóa: tương tự các FTA ASEAN+ hiện hành; Các nước ASEAN: xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 85,9% - 100% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; Các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 90,7% - 98,3% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Khác biệt thuế: các nước áp dụng cam kết thuế quan khác nhau với các đối tác khác nhau đối với 1 số mặt hàng trong khi ở các FTA khác chỉ áp dụng 1 biểu cam kết thuế quan.
Cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam trong RCEP: Theo lộ trình cam kết trong RCEP, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan Việt Nam dành cho ASEAN ở mức 90,3%, Úc và New Zealand 89,6%, Nhật Bản và Hàn Quốc 86,7%, Trung Quốc là 85,6%. Cam kết của Việt Nam với ASEAN và các đối tác được thể hiện tại các biểu tương ứng. Nhìn chung, với việc triển khai các cam kết mở cửa thị trường hiện nay cùng với quá trình tự do hóa thuế quan được thực thi trong nhiều năm qua, Việt Nam không chịu nhiều áp lực về mức độ mở cửa thị trường hàng hóa khi thực thi Hiệp định RCEP, việc thực thi cam kết trong khuôn khổ RCEP sẽ không tạo sức ép về giảm thuế nhập khẩu.
Theo Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết Hiệp định RCEP có liệu lực, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có thêm nhiều cơ hội chọn lựa các ưu đãi thuế quan có lợi nhất, được hưởng thuận lợi hóa thương mại, hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối của Hiệp định khi xuất khẩu sang Indonesia. Ngoài các quy tắc đơn giản hóa quy trình và chi phí xuất, nhập khẩu, quy tắc xuất xứ đơn giản hóa sẽ giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, do đó tăng tỷ suất lợi nhuận và làm gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Có lợi thế lớn gần sát thị trường Trung Quốc bên cạnh là thị trường nhập khẩu rất lớn và nguồn cung cấp nhiều nguyên liệu đầu vào quan trọng và cạnh tranh (giúp chi phí sản xuất giảm, thời gian giao hàng nhanh) góp phần gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Indonesia so với các nước cạnh tranh khác của Asean.
Các mặt hàng Việt Nam có thể gia tăng thúc đấy xuất khẩu: thực phẩm chế biến, hóa chất, các sản phẩm từ cao su (đặc biệt là cao su tổng hợp); sản phẩm nhựa và dệt may, Hàng điện tử (điện thoại di động), sắt thép.
Indonesia có nguồn tài nguyên phong phú là nguyên liệu đầu vào cho nhiều mặt hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam có thể tận dụng khai thác thông qua quy tắc xuất xứ của RCEP để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường thành viên khác trong RECEP thông qua việc tăng cường sử dụng nguyên phụ liệu có xuất xứ từ Indonesia. Việt Nam cần tận dụng thúc đấy các nhóm hàng bao gồm: thực phẩm chế biến; phương tiện vận tải và phụ tùng (xe ô-tô điện); kim loại, hóa chất, cao su chế biến; sản phẩm nhựa và dệt may. Cán cân thương mại của những nhóm hàng này của INdonesia dự báo sẽ thâm hụt trong những năm đầu thực hiện hiệp định RCEP. Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh từ các nhóm hàng của Indonesia: nông sản, thủy sản, ô-tô, điện tử, thực phẩm và đồ uống, hóa chất và thiết bị máy móc tại chính thị trường Việt Nam và 03 thị trường trọng điểm khác của Indonesia là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe chia sẻ về các nội dung như: Tổng quan các FTA trong khuôn khổ ASEAN: Tiềm năng và lợi thế cho các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trong khu vực; Các vấn đề nổi bật liên quan tới quy tắc xuất xứ các mặt hàng khi xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Á theo các FTA; Tận dụng ưu đãi từ các FTA - thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Indonesia; Một số lưu ý những vấn đề thường gặp và cách xử lý đối với những vấn đề phát sinh liên quan đến sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Châu Á đã ký kết FTA.
Hội thảo với chủ đề “Cập nhật các vấn đề liên quan tới các FTA trong khuôn khổ ASEAN và quy tắc xuất xứ theo các FTA” đã cung cấp cho doanh nghiệp nhiều kiến thức quan trọng về các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khu vực ASEAN và những quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Hội thảo này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các cơ hội thương mại từ các FTA, cung cấp các giải pháp thực tiễn và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức quốc tế nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia vào các FTA, cung cấp cơ hội kết nối, hợp tác với các chuyên gia, tư vấn viên hoặc các đối tác kinh doanh quốc tế trong khuôn khổ các FTA,  đồng thời cung cấp những kiến thức cần thiết để áp dụng các quy tắc xuất xứ một cách hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh quốc tế.

Tác giả: Tin: Hoàng Thúy An – XTTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây