Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Nhằm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2024, Sở Công Thương đã ban hành Công văn triển khai các hoạt động của ngành Công Thương hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6, Tháng hành động vì môi trường năm 2024, gửi đến Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh, đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung:
Tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị; Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT- TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Căn cứ tình hình thực tế, cao điểm từ cuối tháng 5 đến kết thúc tháng 6 năm 2024, các đơn vị có liên quan đồng loạt tổ chức các hoạt động cộng đồng như: Meeting, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải. Phát động chiến dịch chung tay bảo vệ tài nguyên, bảo vê môi trường, ứmg phó với biến đổi khí hậu bằng các hành động thiết thực, hiệu quả. Treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích sử dụng từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường) tại các cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới năm 2024 đạt tính lan tỏa cao theo các khẩu hiệu sau: Hãy chủ động ứng phó, tăng cường khả năng thích ứng với hạn hán; Mỗi người đều có thể góp phần phục hồi đất bị suy thoái; Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hoà khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự phá huỷ hệ sinh thái toàn cầu; Hành tinh của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta! Hãy hành động ngay bây giờ cho một tương lai bền vững; Ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường được lan tỏa trên diện rộng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ tài nguyên, môi trường, tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm và đóng góp chung và nỗ lực quốc gia về bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể.