Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc chỉ còn 7/76 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động. Trong đó, cửa khẩu quốc tế đang hoạt động là 3/7 cửa khẩu (Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Ga quốc tế đường sắt Lào Cai (Lào Cai)); cửa khẩu chính đang hoạt động là 4/6 cửa khẩu (Chi Ma (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), Trà Lĩnh (Cao Bằng), Sóc Giang (Cao Bằng)); cửa khẩu phụ đang hoạt động là 0/21; lối mở/điểm thông quan đang hoạt động là 0/42. Các cửa khẩu, lối mở/điểm thông quan đang tạm dừng hoạt động là do phía Trung Quốc tạm dừng để kiểm soát dịch bệnh.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Trước những khó khăn trên, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 9249/VPCP-KTTH ngày 18/12/2021 về việc tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Bộ Công Thương ban hành Công văn số 8297/BCT-XNK ngày 23/12/2021 của Bộ Công Thương về việc hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Thực hiện Văn bản của Văn phòng Chính phủ và Văn bản của Bộ Công Thương, đồng thời để có biện pháp giải quyết những khó khăn trong việc thông quan hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông vận tải; Cục Hải quan Đắk Lắk; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Hội doanh nhân trẻ tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động liên hệ với các tỉnh biên giới phía Bắc để cập nhật thường xuyên về tiến độ thông quan tại các cửa khẩu, trên cơ sở đó có biện pháp thông tin rộng rải đến các doanh nghiệp, thương nhân… kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu trên địa bàn tỉnh biết, để các đơn vị có phương án phù hợp trong việc vận chuyển hàng hóa lên các cửa khẩu trong thời gian sắp tới, nhằm giải quyết khó khăn đối với hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.
Theo đó, để giải quyết những khó khăn trước mắt, cũng như lâu dài, ngành Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan, thông tin kịp thời đến doanh nghiệp, đồng thời khuyến cáo và đề ra biện pháp, cụ thể như: Đề nghị thương nhân trên địa bàn tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn, điều tiết việc đưa hàng lên biên giới phía Bắc, đặc biệt là các cửa khẩu đang có hiện tượng ùn tắc, bao gồm cả những trường hợp mà khách hàng Trung Quốc đã thanh toán tiền hàng; Trường hợp khách hàng Trung Quốc đã thanh toán tiền hàng và vẫn đề nghị đưa hàng lên biên giới, yêu cầu thương nhân trao đổi với khách hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, đồng thời nắm rõ tình hình thực tế việc thông quan tại cửa khẩu quốc tế để điều tiết xuất hàng phù hợp nhằm giảm ùn tắc tại Lạng Sơn, Quảng Ninh; hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác (nếu được)...; Đề nghị Thương nhân, doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu; Chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản; Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản; Trên phương diện quản lý nhà nước, các sở ngành và các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng tầm nông sản Việt nói chung và nông sản tỉnh Đắk Lắk nói riêng, từ đó đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như sự phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu "tiểu ngạch".