Sở Công Thương Đắk Lắk

https://socongthuong.daklak.gov.vn


UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo thực hiện việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo Công điện số 1102/CĐ-TTg, ngày 23/8/2021 của Thủ tường chính phủ

Triển khai thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg, ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc. Ngày 26/8/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành công văn số 8149/UBND-KGVX theo đó, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tình hình thực tế của địa phương để tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc
Công điện số 1102/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh huy động sự tham gia của Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, theo Công điện của Thủ tướng đặc biệt lưu ý một số nội dung.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh huy động sự tham gia của Nhân dân. Kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
  
Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch trên địa bàn. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát, quyết liệt, hiệu quả. Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội... và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch.

Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài; không được tự mãn với kết quả phòng, chống dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Đại dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến thể mới, nguy hiểm; công tác phòng, chống đại dịch chưa có tiền lệ. Vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe; khi thực hiện cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình, đạt hiệu quả cao nhất.

 Công tác tổ chức thực hiện cần khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp: Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh do vậy phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời cách ly lây nhiễm trong cộng đồng. Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế. Điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các địa phương chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm COVID-19 bảo đảm oxy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở điều trị. Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu. Tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân... không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Vắc xin, thuốc điều trị là chiến lược, tiếp tục đẩy mạnh “ngoại giao vắc xin” để có sớm nhất, nhiều nhất vắc xin. Tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vắc xin; không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Thông tin đến người dân tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng chờ đợi lựa chọn vắc xin. Bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tại các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất...Các địa phương chịu trách nhiệm chủ động bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Trung ương, nhất là các địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội. Tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác, kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc. Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp.

Nội dung chi tiết Công điện số 1102/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại Tệp tin đính kèm.

Nguồn tin: Trần Quang Phúc – Trung tâm Xúc tiến Thương mại

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây