Sở Công Thương Đắk Lắk

https://socongthuong.daklak.gov.vn


Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê- sự thuận lợi cho sản phẩm cà phê Buôn Mê Thuột.

       Ngay khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 01/8/2020, một số lô hàng như cà phê, tôm, chanh leo, trái cây đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.  Theo EVFTA sản phẩm cà phê Buôn Mê Thuột được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tạo ra cơ hội và đồng thời là những khó khăn, thách thức cho sản phẩm cà phê Buôn Mê Thuột.
 
Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê- sự thuận lợi cho sản phẩm cà phê Buôn Mê Thuột.
       Ngày 16/9/2020, lô hàng cà phê đầu tiên của Việt Nam  chính thức được xuất khẩu sang châu Âu với thuế suất nhập khẩu về 0% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Với thuế suất nhập khẩu 0% và được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm cà phê Buôn Mê Thuột sẽ gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Từ đó, có thể mang lại những giá trị lớn hơn về kinh tế- văn hóa- xã hội, tạo ra cơ hội việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp, ổn định thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân tại địa phương. Khí hậu, thổ nhưỡng cũng là một trong những điểm thuận lợi để Đắk Lắk phát triển cây cà phê.
       Bên cạnh đó, phải kể đến những thách thức mà ngành sản xuất cà phê phải đối mặt. Trước hết là về chất lượng sản phẩm, ngành sản xuất cà phê phải tiếp tục tăng cường về khoa học công nghệ, kiểm soát chặt về tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trồng có kiểm soát. Hiện nay, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước nhưng năng suất và sản lượng chỉ đứng thứ 2 sau Lâm Đồng. Đắk Lắk có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây cà phê, tuy nhiên, do diện tích cà phê già cỗi lớn, chất lượng và chủng loại giống cây cà phê chưa đa dạng, dẫn đến sản lượng, chất lượng chưa cao. Máy móc thiết bị cũng là vấn đề quan trọng trong việc phát triển sản phẩm cà phê tại Đắk Lắk, kỹ thuật sản xuất cà phê truyền thống mất thời gian, công sức, tốn kém và không đảm bảo về an toàn thực phẩm, khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng khó tính. Hiện nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk đã triển khai và thực hiện các đề án hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê bột tại một số xã, huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, phát huy tiềm năng, lợi thế của Đắk Lắk trong lĩnh vực sản xuất cà phê bột, cung cấp các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
       Hiệp định EVFTA đã tạo ra những cơ hội lớn cho những sản phẩm cà phê nhưng bên cạnh đó là nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết. Nếu tận dụng được cơ hội, giải quyết được những khó khăn vướng mắc sẽ  phát huy được tiềm năng, lợi thế của Đắk Lắk trong lĩnh vực sản xuất cà phê, góp phần phát triển kinh tế- xã hội ổn định, lâu dài cho địa phương.

Tác giả: Thanh Nhàn-TTKC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây