Sở Công Thương Đắk Lắk

https://socongthuong.daklak.gov.vn


Trao đổi một số vấn đề về xác định “tổ chức” hay “cá nhân” trong xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực điện lực

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì “tổ chức” là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang Nhân dân và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
         Đây là một khái niệm tương đối rộng về tổ chức, ở từng lĩnh vực của đời sống xã hội, việc qui định “tổ chức” hay “cá nhân” là đối tượng vi phạm hành chính do Chính phủ qui định cụ thể tại từng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính ở từng lĩnh vực. Mục đích của việc qui định này cũng chính là thực hiện nguyên tắc về xử phạt vi phạm hành chính đối với cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền của cá nhân. Tuy nhiên thực tế vẫn còn phát sinh những trường hợp mà việc xác định đối tượng vi phạm hành chính là “tổ chức” hay “cá nhân” lại tuỳ thuộc vào sự “nhận định” của người lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người có thẩm quyền xử phạt mà bỏ qua “qui định” của pháp luật.
          Qua theo dõi thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc đã xảy ra ở lĩnh vực điện lực, khi tham mưu cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, một Đơn vị điện lực đã “nhận định” đối với trường hợp ông Lê Văn A (địa chỉ ở thành phố Buôn Ma Thuột) là công nhân của Công ty TNHH bê tông ABC đã có hành vi điều khiển xe bơm bê tông chui dưới đường dây trung áp 22kV đang vận hành, vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện gây sự cố lưới điện là do “cá nhân” thực hiện và đã tham mưu xử phạt 50 triệu đồng theo điểm c, khoản 6 Điều 15 của Nghị định 134/2013/NĐ-CP([1]) ngày 17/10/2013 của Chính phủ.
         Tạm gác lại tình huống trên, một “tổ chức” bị xử phạt vi phạm hành chính phải thoả mãn hai điều kiện, thứ nhất phải là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; thứ hai là hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính([2]). Như vậy ở điều kiện thứ nhất, tổ chức phải là pháp nhân hoặc được thành lập theo quy định của pháp luật, phân tích trường hợp này, chúng ta thấy “tổ chức” là pháp nhân thì phải thoả mãn bốn điều kiện([3]), đó là: (i) được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan; (ii) có cơ cấu tổ chức theo quy định([1]); (iii) có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (iv) nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Ở vế thứ hai của điều kiện này “hoặc được thành lập theo quy định của pháp luật”, có thể hiểu “tổ chức” đó không phải là pháp nhân (như doanh nghiệp nghiệp tư nhân, văn phòng đại diện, chi nhánh...) nhưng được thành lập theo quy định của pháp luật([2]) thì được xem là “tổ chức”. Ở điều kiện thứ hai, là hành vi vi phạm hành chính phải do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người làm theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức đó. Khi thoả mãn hai điều kiện này, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mới tiến hành xử phạt đối với “tổ chức” khi vi phạm hành chính mà hành vi vi phạm được pháp luật quy định.  
          Phân tích tình huống nêu trên, việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn A là mắc lỗi “nhận định”, bởi việc thực hiện điều khiển xe bơm bê tông chui dưới đường dây trung áp 22kV đang vận hành vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện gây sự cố lưới điện là thực hiện “theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức” đó là theo điều hành của Công ty TNHH bê tông ABC, việc đi “giao hàng” là bê tông tươi cho khách hàng là làm theo sự điều hành của “tổ chức”, ông Lê Văn A là người thừa hành nhiệm vụ do “tổ chức” giao, do đó trong tình huống này phải xác định đối tượng vi phạm hành chính là Công ty TNHH bê tông ABC, với mức xử phạt gấp 02 lần.
         
Mục đích của việc xác định “tổ chức” hay “cá nhân” vi phạm hành chính xét cho cùng chính là việc áp dụng qui định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phải đảm bảo chính xác, khách quan, đúng hành vi và xử lý đúng đối tượng vi phạm hành chính. Ở nhiều tình huống, việc xác định đối tượng vi phạm hành chính không phải là điều dễ dàng, đôi khi phải thực hiện nhiều biện pháp, xác minh nhiều nội dung và cần phải có thời gian mới có thể xác định được đó là “tổ chức” hay “cá nhân” vi phạm hành chính, nhưng không phải vì thế mà người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bỏ qua các qui định mang tính bắt buộc này./.
 
([1]) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thuỷ điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
([2]) Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ  hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017)
([3]) theo Điều 74 của Bộ luật Dân sự 2015
([4]) tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự 2015
([5]) Doanh nghiệp tư nhân, văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan...

Tác giả: Nguyễn Ngọc Lâm - Thanh tra Sở

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây