Sở Công Thương Đắk Lắk

https://socongthuong.daklak.gov.vn


Sản phẩm  nông nghiệp Đắk Lắk hướng tới gia tăng giá trị xuất khẩu và phát triển bền vững

             Xuất khẩu nông sản của Đắk Lắk trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nổi bật, một số mặt hàng nông sản đạt kim ngạch cao như cà phê, hồ tiêu, tinh bột sắn, cao su, hạt điều…. Đắk Lắk trở là địa phương hàng đầu trong nước về xuất khẩu cà phê đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên giá xuất khẩu của các mặt hàng nông sản không ổn định, nhiều nông sản “mũi nhọn” xuất khẩu bị rớt giá, do khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới, bị ép giá, thường là thấp;  hàng xuất khẩu nông sản chủ yếu là hàng sơ chế hoặc phải xuất qua nước trung gian, chính vì vậy mà giảm giá trị.
              Để sản phẩm  nông nghiệp Đắk Lắk hướng tới giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững cần có sự liên kết của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cùng sự ủng hộ của các địa phương triển khai đồng bộ các hoạt động sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản.
            Công tác quy hoạch trên lý thuyết rất tốt, từ sản lượng, diện tích trồng, thị trường và định hướng dài hạn... đều được dự báo và lên kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên quá trình triển khai thì không như mong muốn. Ví dụ như quy hoạch cà phê chỉ 150.000 ha thì nay đã có hơn 200.000 ha, quy hoach cây sắn 20.000 ha thì đến nay đã trên 35.000 ha… Đặc thù của nông dân thấy lợi nhuận trước mắt không đạt là chặt bỏ, chuyển đổi cây trồng một cách tùy tiện, dẫn đến cung vượt cầu và phá vỡ quy hoạch. Vì vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần phải xác định diện tích canh tác cho từng chủng loại mặt hàng, cần có những khuyến cáo, cảnh báo kịp thời cho từng vùng, từng địa phương khi diện tích canh tác có xu hướng vượt ngưỡng. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; tổ chức lại thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại. Có như thế mới định hướng nông dân sản xuất theo quy hoạch, tránh rủi ro và đảm bảo bền vững.
A4
Tham gia gặp gõ Hàn Quốc mở rộng thị trường
            Cung cấp thông tin kịp thời về thị trường, giá cả, nhu cầu, các quy định, các tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản kỹ thuật, các quy định về mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm... để tăng tính cạnh tranh và giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và lựa chọn. Hỗ trợ thông tin về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các mặt hàng trên thế giới, định hướng thị trường, định hướng sản xuất; giúp tiêu thụ  nông sản tốt hơn. Có như vậy mới giúp nông dân làm ra sản phẩm đến đâu tiêu thụ hết đến đó, chấm dứt tình trạng sản xuất nông sản theo kiểu tù mù thông tin về thị trường như hiện nay.
           Định hướng thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều hiệp định thương mại được ký kết, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thực thi đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ, sản phẩm nông sản không những cạnh tranh quyết liệt ở thị trường xuất khẩu mà ngay cả trong nước cũng có sự cạnh tranh không kém. Vì vậy việc định hướng cho sản xuất là rất quan trọng, quá trình sản xuất chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa nông sản phải được kiểm soát chặt chẽ, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đảm bảo theo chẩn mực chất lượng của thị trường xuất khẩu và nội địa, minh bạch mọi thông tin hàng hóa nông sản. 
            Để tránh tình trạng nông sản “được mùa mất giá” thì việc tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, doanh nghiệp định hướng thị trường, định hướng sản xuất) là yêu cầu cấp bách. Thực hiện tốt liên kết giữa 4 nhà không chỉ tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành tư duy làm ăn mới mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
A5
Thi cà phê đặc sản, nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê
 Chính sách xúc tiến thương mại nông sản chính là cầu nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa nông dân với thị trường, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với Nhà nước,… và góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Trong điều kiện mở cửa hội nhập với thị trường thế giới, khi Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì những chương trình xúc tiến thương mại của địa phương đã tác động tích cực vào việc quảng bá sản phẩm nông sản, ổn định và phát triển thị trường nội địa. Xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản là hoạt động tin cậy của nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Đặc biệt, với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia các chương trình hội chợ triển lãm sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản tích cực mang nông sản địa phương đến rộng rãi người tiêu dùng trong và ngoài nước. Xây dựng thương hiệu hàng nông sản Đắk Lắk, giữ vững  thương hiệu sau khi đã xây dựng góp phần tăng giá bán nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng của nông sản đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường để có thể xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường có nhu cầu mà không phải qua trung gian hoặc mượn thương hiệu nước ngoài. Việc hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản có quy mô lớn, tăng cường xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản là cơ sở ban đầu để hình thành các thương hiệu mạnh của các doanh nghiệp và nông sản Đắk Lắk trên thị trường thế giới. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu  đăng ký nhãn hiệu hàng hoá nông sản  là vấn đề hết sức cấp bách, cần thiết khi hàng nông sản của chúng ta có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.  
A1
Đắk Lắk phát triển thị trường trong khu vực

            Việc mở rộng, phát triển, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ nông sản ổn định và có giá trị cao luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thúc đẩy nông nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển. Tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng cũng cần phải song hành thị trường nội địa; thị trường nội địa là thị trường tiềm năng, điều này đã được chứng minh trong nhiều năm qua. Không phát triển thị trường nội địa thì đến lúc gặp khó khăn trong xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ không có chỗ đứng trên sân nhà. Các doanh nghiệp nên có chiến lược phát triển cả hai thị trường. Nếu doanh nghiệp chỉ “đứng bằng một chân” thì phát triển sẽ không bền vững”,
             Kêu gọi các nhà đầu tư tập trung vào đầu tư chế biến tinh, chế biến sâu các mặt hàng nông sản của địa phương nhằm nâng cao giá trị gia tăng đồng thời tăng cường thực hiện chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua liên kết sản xuất – chế biến tiêu thụ nông sản giữa nông dân với các thành phần kinh tế khác, giữa các tổ chức kinh tế với các địa phương cần phát triển sâu rộng ở từng ngành hàng và sản phẩm. Nhiều mô hình liên kết trước đây còn thiếu tính bền vững, tình trạng phá vỡ hợp đồng khá phổ biến; nhiều doanh nghiệp chưa tôn trọng lợi ích nông dân, không quan tâm vùng nguyên liệu, lợi dụng thế độc quyền ép giá, ép cấp,... Do đó cần tạo được mối quan hệ giữa các địa phương, các doanh nghiệp với nhau và nông dân với doanh nghiệp trong nước một cách chặt chẽ, phát huy thị trường bạn hàng truyền thống hỗ trợ nhau để phát triển trên cơ sở lợi ích bền vững của các bên.
A6
Hỗ trợ đưa hàng nông sản vào các hệ thống bán lẻ

           Đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản, gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản phù hợp với đặc điểm, quy mô, cấp độ của lực lượng sản xuất, gắn với khả năng đáp ứng của mỗi loại nông sản; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia tiêu thụ nông sản, tạo lập các liên kết bền vững cùng với ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Kết hợp các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản, với sự hợp tác, nỗ lực từ nhiều phía là cơ sở quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản tỉnh Đắk Lắk góp phần xây dựng nền nông nghiệp sớm đi lên sản xuất hàng hóa lớn và có thương hiệu quốc gia mạnh trên thị trường nông sản trong nước và thế giới. Có như thế mới ổn định cho các mặt hàng nông sản góp phần đảm bảo đời sống, từng bước cải thiện kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà.

Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công Thương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây