Sở Công Thương Đắk Lắk

https://socongthuong.daklak.gov.vn


Sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2021 - 2022

Dự báo, từ nay đến hết năm 2021 còn khoảng 8 -10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông. Trong đó, có khoảng 4 - 5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và tháng 11 năm 2021.
Lượng mưa toàn vụ ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Mùa mưa có khả năng kết thúc muộn hơn một ít so với trung bình nhiều năm, vào khoảng tuần cuối tháng 11 năm 2021, riêng khu vực phía Đông tỉnh Đắk Lắk vào khoảng nửa cuối tháng 12 năm 2021.

Trước tình hình lũ lụt, dịch bệnh trên cây trồng, đặc biệt là ảnh hưởng của  đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ cà phê. Để đảm bảo cho việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2021 - 2022 đạt hiệu quả cao, hạn chế tình trạng thu hái cà phê xanh, non góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân. Ngày 25 tháng 10 năm 2021 UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 20 về việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2021 – 2022

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn lập kế hoạch và tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê chuẩn bị đến kỳ thu hoạch; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo tỷ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 85%; trường hợp tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín tối thiểu đạt 80%. Tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch; thực hiện nghiêm túc  Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID - 19” và các quy định khác về công tác phòng chống dịch đảm bảo sản xuất của Trung ương và địa phương. Xây dựng phương án cụ thể việc huy động lực lượng cho công tác thu hoạch, chế biến và vận chuyển cà phê trên địa bàn, nhất là đối với đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cần bố trí, sắp xếp vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ đến và làm việc vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19; triển khai việc thành lập các tổ liên kết giữa các hộ với nhau theo khu vực, địa bàn để hỗ trợ trong thu hoạch, vận chuyển; tận dụng nhân công tại chỗ theo hình thức đổi công, ưu tiên nhân công cho các vườn chín trước; trong trường hợp cần thiết, chủ động đề nghị các lực lượng quân đội trên địa bàn hỗ trợ công tác thu hoạch; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh nếu gặp khó khăn, vướng mắc về lực lượng thu hoạch tại địa bàn; hướng dẫn người dân chủ động chuẩn bị sân phơi, máy sấy phòng trường hợp thời điểm thu hoach mưa kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cà phê.
1
Thu hoạch cà phê Đắk Lắk
Nghiên cứu, có biện pháp và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, huy động tối đa lực lượng nhân công thu hoạch cà phê trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Chỉ đạo chính quyền cấp xã tuyên truyền, vận động người nông dân không đi khỏi địa bàn, tập trung cho công tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê; tập trung tuyên truyền nội dung trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện, nhất là trên hệ thống loa truyền thanh. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, các phương tiện đi lại để thu hoạch cà phê. Tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát theo yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành của tỉnh với các địa phương trong thời gian thu hoạch, chế biến, bảo quản cà phê. Lập danh sách các đơn vị thu mua uy tín và các đơn vị vận chuyển để cung cấp cho người dân có địa chỉ giao dịch.

Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan chỉ đạo tốt việc thực hiện Kế hoạch tái canh cà phê tại địa phương, thực hiện đúng quy trình tái canh cà phê để đảm bảo hiệu quả; tuyên truyền vận động nông dân không tự phát mở rộng diện tích cà phê; tăng cường áp dụng các biện pháp thâm canh, cải tạo diện tích cà phê hiện có theo xu hướng sản xuất cà phê bền vững, tưới nước tiết kiệm trong điều kiện khí hậu thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, tình hình lũ lụt xảy ra làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê.

Ngành Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại trong thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê; tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản nhằm đảm bảo chất lượng cà phê sau thu hoạch; thường xuyên nắm bắt giá cả, dự báo tình hình diễn biến thị trường để thông tin kịp thời, đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh có các biện pháp xử lý thích hợp khi thị trường cà phê có những biến động bất thường, nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2
Cà phê nhân chế biến-rang
Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các điều kiện xuất khẩu cà phê theo quy định của nước nhập khẩu. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nắm bắt nhu cầu về tiêu thụ nông sản để thực hiện kết nối cung cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ cà phê trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, phù hợp với diễn biến, tình hình dịch COVID-19. Thường xuyên thực hiện công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xúc tiến tiêu thụ cà phê của tỉnh niên vụ năm 2021 - 2022.

Ngành Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Lắk theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hoạch chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2021-2022.

Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công Thương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây