Sở Công Thương Đắk Lắk

https://socongthuong.daklak.gov.vn


Đặt an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân

Đây là khẳng định của Bộ Công Thương đưa ra trong Hội thảo với chủ đề "Chính sách pháp luật mới về An toàn thực phẩm và hành động của Doanh nghiệp vì sức khỏe cộng đồng" được tổ chức sáng ngày 15/5/2018 tại Hà Nội.

Đại diện lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Báo Công Thương và Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công Thương đồng chủ trì Hội thảo. Đến dự Hội thảo còn có đại diện Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ với tư cách diễn giả khách mời cùng đại diện nhiều Sở, ban ngành Trung ương, Hà Nội, các địa phương lân cận cùng các Hiệp hội ngành hàng ngành nghề.
Đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành liên quan đã và đang thực hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ cải thiện tình trạng An toàn Vệ sinh thực phẩm gắn liền với cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.
 

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương, với vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương luôn coi an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội và thể hiện nếp sống văn minh.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, để hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn, Bộ Công Thương đã và đang rất tích cực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi quản. Cụ thể, tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm ngành Công Thương. Mục tiêu của hoạt động là khuyến khích và hướng dẫn các chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến, các quy định phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh như HACCP, ISO, tiêu chuẩn Việt Nam chợ kinh doanh thực phẩm.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Công Thương đã hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm tại 32 địa phương (bao gồm Hòa Bình, Hà Giang, Bình Định, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bến Tre, An Giang, Tuyên Quang, Ninh Bình, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang). Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tư vấn và xây dựng được 8 chuỗi cửa hàng kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000:2005 đối với siêu thị tổng hợp, cửa hàng sữa, cửa hàng bánh ngọt tại Hà Nội, Đà Nẵng.

Thời gian tới, trong khuôn khổ Dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an thực phẩm tại 24 địa phương (TP HCM, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Hà Nam, Khánh Hòa, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Long An, Đắc Nông, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Thuận, Tuyên Quang, Sơn La, Sóc Trăng, Cà Mau, Phú Thọ, Lâm Đồng, Bắc Giang, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Bạc Liêu) và 05 mô hình cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm ngành Công Thương (cửa hàng tổng hợp các mặt hàng thuộc phạm vi quản lý từ 02 bộ trở lên, cửa hàng nước khoáng, bánh các loại).

Ngoài ra, nNhằm phổ biến các kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm, các quy định của Pháp luật, chính sách của Nhà nước, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và phát hành cuốn “Cẩm nang an toàn thực phẩm trong kinh doanh” và “Cẩm nang quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ” bao gồm các nội dung cơ bản về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hướng dẫn đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm trong quá trình thẩm định thực tế đối với cơ sở kinh doanh, các câu hỏi thường gặp trong quá trình cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm… Đồng thời, Bộ cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho đối tượng là quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các địa phương trên cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình kết nối tiêu thụ tại nhiều địa phương và các ngành hàng khác nhau như tổ chức các Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Bắc, Trung và Nam với kết quả đã kết nối được gần khoảng 90 biên bản ghi nhớ giữa các nhà sản xuất với các nhà phân phối. Ngoài ra, Bộ cũng đã phối hợp với Sở Công Thương TP HCM tổ chức thực hiện hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố với các tỉnh thành Đông – Tây Nam bộ. Qua 5 năm triển khai, đã có 1.349 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào hàng thực phẩm an toàn được ký kết giữa các địa phương, giao thương 2 chiều doanh thu đạt 22.132 tỷ đồng…

Trong năm 2018, nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại các địa phương; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng, bảo đảm an toàn của các vùng miền, Bộ Công Thương có kế hoạch tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn thuộc nhiệm vụ kết nối nguồn hàng thực phẩm bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối tại địa phương năm 2018 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt (tại Quyết định số 4566/QĐ-BCT ngày 07 tháng 12 năm 2017 về việc giao thực hiện hoạt động năm 2017 Dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số).

Để phối hợp triển khai các hoạt động trên, Bộ Công Thương đã có công văn số 3397/BCTTTTN ngày 02 tháng 5 năm 2018 đề nghị Sở Công Thương các tỉnh/thành phố phối hợp triển khai một số nội dung liên quan đến việc: Đề xuất mặt hàng thực phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng miền (nông, lâm, thuỷ sản và thực phẩm chế biến) đã được chứng nhận an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đang có nhu cầu quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ vào hệ thống phân phối của các tỉnh thành khác, tập trung tại thị trường của các thành phố lớn; Đề xuất thời điểm và quy mô thực hiện: tuỳ thuộc vào khả năng cung ứng và nguồn hàng tại địa phương (như mùa vụ).

Cụ thể ngay trong tháng 6 tới và các tháng tiếp theo, Bộ Công Thương (Vụ TTTN) sẽ phối hợp với Hệ thống siêu thị Big C (thuộc Central Group) triển khai ngay các đợt giới thiệu quảng bá sản phẩm thực phẩm đặc sản vùng miền, địa phương như tuần hàng giới thiệu các sản phẩm cá Sông Đà của Hòa Bình; tuần hàng đặc sản của Sơn La…

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, mọi kiến nghị của đại biểu sẽ được các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Bộ để khắc phục, chỉnh sửa, ban hành các chế tài đủ mạnh để lập lại trật tự trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, nước giải khát, nhằm lành mạnh hóa hoạt động nhạy cảm này.

Tác giả: Mai thanh - TTKC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây