Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động xúc tiến thương mại: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường

08:29, 30/08/2021

Thời gian qua, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) được Trung tâm XTTM tỉnh (Sở Công thương) đẩy mạnh thực hiện đã kết nối giao thương, tạo cơ hội để doanh nghiệp (DN) quảng bá sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường, góp phần bảo đảm đầu ra cho sản phẩm thế mạnh của tỉnh.

Nhiều hoạt động thiết thực

Theo Trung tâm XTTM tỉnh, với thế mạnh là các sản phẩm như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, mắc ca, trái cây..., thời gian qua, Trung tâm đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động hội chợ, hội thảo chuyên ngành nhằm tăng cường hơn nữa cơ hội kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương.

Giai đoạn 2015 - 2020, đơn vị đã hỗ trợ 134 lượt DN tham gia 40 hội chợ, triển lãm trong nước, với 212 lượt gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Từ đó, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng các tỉnh, thành phố trong nước.

Đồng thời mở rộng hợp tác với các kênh phân phối và hệ thống siêu thị lớn như: Siêu thị Big C, Vincom, Co.opmart, hệ thống cửa hàng siêu thị mini, cửa hàng lưu niệm… ở các tỉnh thành trong cả nước. Cùng với đó, hỗ trợ  20 lượt DN tham gia trưng bày sản phẩm tại 4 hội chợ ở các quốc gia như Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối giao thương giữa hai tỉnh Đắk Lắk - Sóc Trăng.

Nhằm hỗ trợ DN mở rộng sản xuất, phát triển thị trường, Trung tâm thường xuyên phối hợp với DN tổ chức các phiên chợ hàng Việt. Từ năm 2015 đến nay đã có 14 phiên chợ hàng Việt về miền núi tại các địa phương trong tỉnh được tổ chức, thu hút 860 lượt gian hàng của 340 lượt DN tham gia, doanh số ước đạt gần 10 tỷ đồng. Các phiên chợ đã giúp người dân tiếp cận và sử dụng nhiều mặt hàng Việt Nam có chất lượng tốt, với giá cả hợp lý. Cùng với đó, tạo cầu nối để các DN trong nước tiếp cận với thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, thể hiện qua việc đã có hơn 60 biên bản ghi nhớ được DN ký kết thỏa thuận hợp tác tại các huyện.

Để tiết giảm kinh phí cho địa phương, Trung tâm XTTM đã chủ động, linh hoạt lồng ghép chương trình XTTM hằng năm của tỉnh với chương trình XTTM quốc gia, tranh thủ được sự hỗ trợ kinh phí của Trung ương trong việc triển khai các hoạt động XTTM trên địa bàn như hội chợ triển lãm; đào tạo, tập huấn; phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa… Với việc tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, Trung tâm XTTM tỉnh đã hỗ trợ đắc lực cho DN quảng bá, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa DN các địa phương với nhau. Nhiều DN của tỉnh đã gặp gỡ được đối tác, kết nối giao thương để đẩy mạnh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tăng cường khả năng thích ứng

Trong điều kiện mới, Trung tâm đã tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các DN trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để DN nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đáng chú ý là hoạt động phối hợp với các đơn vị, DN, hiệp hội ngành hàng như Cục Hải quan tỉnh, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng, Văn phòng Cục XTTM tại Đà Nẵng, Vụ Thị trường châu Á Thái Bình Dương… để tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn, hội thảo cho các DN, các cơ sở, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh và chế biến trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2015 - 2020 đã có 15 lớp tập huấn được tổ chức, thu hút 1.746 lượt học viên của 826 lượt đơn vị tham gia. Các lớp tập huấn chủ yếu xoay quanh những chủ đề được DN quan tâm trong giai đoạn hiện nay như: Hội nhập kinh tế quốc tế; Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương; tác động của các FTA; xây dựng thương hiệu, kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng...

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều hoạt động xúc tiến giao thương bị gián đoạn, không thể tổ chức trực tiếp, nhiều hội chợ triển lãm tạm hoãn để phòng, chống dịch. Trước tình hình đó, Trung tâm XTTM tỉnh đã linh hoạt triển khai các kịch bản phù hợp với điều kiện hiện tại, trong đó có việc đẩy mạnh XTTM trực tuyến nhằm đáp ứng các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và Sóc Trăng

Cụ thể, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng thương hiệu và kỹ năng kinh doanh; tập huấn thương mại điện tử và chuyển đổi số cho DN; xây dựng cơ sở dữ liệu để hỗ trợ DN, hợp tác xã tham gia Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên năm 2021; Hội nghị trực tuyến kết nối - xúc tiến tiêu thụ quả sầu riêng và các sản phẩm nông sản tỉnh Đắk Lắk… Kết quả, đã có 2 biên bản ghi nhớ hợp tác về xuất khẩu nông sản đi Úc và xuất khẩu nông sản Đắk Lắk đi Nhật Bản; 1 hợp đồng xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc với sản lượng 7.000 tấn được ký kết. Từ đó, thiết thực hỗ trợ DN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn vượt qua khó khăn, dần ổn định sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XTTM trong tình hình mới cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức các chương trình XTTM trực tuyến; một số DN chưa thật sự quan tâm đến chuyển đổi số và các hoạt động trên môi trường mạng…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như: tăng cường hỗ trợ thông tin, mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho DN, hợp tác xã; xuất bản ấn phẩm quảng bá, tuyên truyền về hàng hóa, sản phẩm của tỉnh; đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, thương mại điện tử…

Tùy vào tình hình cụ thể, Trung tâm sẽ tập trung thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ DN phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ như: tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chợ - triển lãm trong và ngoài nước; tổ chức đoàn giao dịch thương mại trong và ngoài nước; tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.