Sở Công Thương Đắk Lắk

https://socongthuong.daklak.gov.vn


Đắk Lắk: Ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Đắk Lắk: Ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Ngày 31/12/2020, Ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND, về tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Trong thời gian qua, hưởng ứng Phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh đã được nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
Các sở, ban, ngành; các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Kế hoạch số 11196/KH-UBND ngày 20/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai phát động Phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh.
Gương mẫu, tích cực trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng chai, cốc, ống hút, bát, đĩa, đũa nhựa… dùng một lần trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để chung tay bảo vệ môi trường.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản, quy định có liên quan.
Phối hợp với Sở Công Thương vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch…trên địa bàn tỉnh cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni lông cho khách hàng hoặc chuyển sang túi khác thân thiện với môi trường.
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất tái chế nhựa không bảo đảm các yêu cầu về môi trường.
3. Sở Công Thương
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa và ni lông từ đó dần thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, nhựa khó phân hủy trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan thực hiện các giải pháp và hoạt động nhằm thúc đẩy giảm phát thải chất thải nhựa tại địa phương… nghiên cứu xây dựng, phát động Phong trào “Chống rác thải nhựa” của ngành Công thương tại địa phương. Vận động các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành cam kết, tuyên bố hành động chống rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chỉ đạo hướng dẫn, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y sau sử dụng. Tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 05/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng giai đoạn 2021-2025 theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 19/5/2016 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, nhất là nông dân trong việc sử dụng các sản phẩm bao bì dễ phân hủy, thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Tham mưu UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí sự nghiệp khoa học để triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần.
Trong công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư: Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ có nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường; đối với các dự án tái chế chất thải là đồ nhựa và túi ni lông khó phân hủy bắt buộc phải sử dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng xấu đến môi trường.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các chuyên trang, chuyên mục; tăng cường tin bài, phóng sự thông tin, tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thông tin công tác triển khai thực hiện của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.
7. Sở Giao thông Vận tải
Chỉ đạo Ban quản lý các bến xe, doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh tuyên truyền nội dung “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, “Hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy” nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần trên các phương tiện giao thông, các bến xe, điểm dừng, đón trả khách.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo
Xây dựng, thực hiện kế hoạch phân loại, giảm thiểu chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa trong các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo; xây dựng nội dung lồng ghép vào hoạt động giáo dục về phân loại chất thải tại nguồn cho học sinh, sinh viên; đưa nội dung phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa thành một tiêu chí đánh giá trường học xanh, sạch đẹp, an toàn.
9. Sở Y tế
Tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, trong đó tập trung chỉ đạo quán triệt, tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện các nội dung của Chỉ thị đến tất cả các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bản tỉnh. Đưa nội dung giảm thiểu chất thải nhựa là một tiêu chí đánh giá cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp.
10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo, quán triệt đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các cơ sở thể dục thể thao quần chúng, các trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao trên địa bàn tỉnh nghiêm túc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể như: giảm thiểu, hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần tại đơn vị; phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa hoặc vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng túi nilon, túi đựng nhiều lần….
11. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề nghị kinh phí thực hiện vận động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải để bảo vệ môi trường của các đơn vị và khả năng cân đối ngân sách, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kịp thời cho các cơ quan, đơn vị thực hiện.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa; ưu đãi, hỗ trợ đối với sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường.
12. Đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các hội chuyên ngành, chính quyền các cấp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả nội dung Chỉ thị này.
13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Phổ biến, quán triệt và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Kiểm tra giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có chất thải nhựa trên địa bàn quản lý theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở tái chế nhựa, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành theo quy định của pháp luật.
14. Tổ chức thực hiện
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này.
 

Tác giả: Mai Thanh - TTKC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây