Sở Công Thương Đắk Lắk

https://socongthuong.daklak.gov.vn


Tái canh cà phê: Vẫn tốc độ “rùa”

Đề án tái canh cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 đã đi được 2/3 chặng đường nhưng công việc vẫn còn ngổn ngang khi diện tích cà phê già cỗi vẫn tăng. Năng suất, chất lượng sản phẩm chậm được cải thiện, trong khi giá cả bấp bênh đã khiến những người trồng cà phê nếm “giọt đắng”.

Chưa đạt mục tiêu

Theo mục tiêu của đề án, các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 120.000ha cà phê cần phải tái canh (tỉnh Lâm Đồng khoảng 45.600ha, Đăk Lăk 29.600ha, Gia Lai 17.800ha, Kon Tum 2.500ha). Hiện, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng tái canh được trên 98.210ha cà phê, đạt 81,8% so với kế hoạch đến năm 2020. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng đã trồng tái canh và ghép cải tạo được trên 51.971ha, vượt kế hoạch 14%, tỉnh Đăk Lăk trồng tái canh được 22.850ha, đạt 77,2%, thấp nhất là tỉnh Đắk Nông đạt 42,2%, tương đương khoảng 8.000ha, con số này ở Gia Lai là khoảng 6.000ha.

tai-canh-ca-phe-van-toc-do-rua

Quá trình tái canh cà phê vẫn diễn ra chậm ở các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, tốc độ tái canh cà phê của các địa phương còn chậm khi diện tích cây cà phê già cỗi cần chuyển đổi còn nhiều và có xu hướng tăng. Đơn cử như tại tỉnh Đăk Lăk, khi mục tiêu của đề án vẫn còn ngổn ngang thì lại có thêm 1/3 diện tích cà phê “lên lão” cần cải tạo.

Thống kê cho thấy, diện tích cà phê trên 20 năm tuổi trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk chiếm đến 23,5% diện tích, từ 15 – 20 tuổi chiếm 34,9% diện tích và 92,79% là các giống thực sinh cũ, chất lượng kém, không thể thích ứng với những diễn biến khắc nghiệt của biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Trong khi đó, hơn 80% diện tích cây cà phê do nông hộ quản lý theo quy mô nhỏ, khó áp dụng các quy trình kỹ thuật đồng bộ.

Theo ông Nguyễn Văn Chương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Đăk Nông), chương trình tái canh đã góp phần làm hồi sinh những vườn cà phê già cỗi khi mới thu bói nhưng năng suất đã đạt 3 – 3,5 tấn/ha.

Xét về tổng thể, quá trình triển khai chương trình còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nguyên nhân là do nhận thức của các cấp chính quyền về chương trình chưa đầy đủ nên chưa có sự chỉ đạo quyết liệt. Dù đã có chủ trương nhưng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi của người dân vẫn là chặng đường gian nan.

Theo nhiều chuyên gia, tài chính, nguồn giống và kỹ thuật canh tác đang là những rào cản khiến quá trình tái canh cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chưa đạt được như kỳ vọng. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 20 – 30% nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình tín dụng dành cho tái canh cà phê, trong khi nguồn giống kém chất lượng vẫn là vấn đề nhức nhối bởi có đến 30 – 40% nông dân vẫn sử dụng nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Chưa kể, quá trình tái canh cà phê phải mất ít nhất 5 năm, trong đó có 2 năm cho cải tạo đất, 3 năm cho kiến thiết cơ bản cũng khiến nông dân khó có đủ kiên nhẫn khi vấn đề cơm áo gạo tiền vẫn làm họ đau đầu.

Được triển khai từ năm 2015, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) có tổng vốn 301 triệu USD (tương đương 6.472 tỷ đồng) đã góp phần hỗ trợ 63.000 hộ nông dân canh tác bền vững cà phê trên diện tích 69.000ha áp dụng công nghệ tiên tiến. Lợi nhuận của nông dân có thể tăng khoảng 15 triệu đồng/ha so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững hoặc không tái canh. Tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng sản xuất cà phê khoảng 48-50 triệu USD/năm.

Đảm bảo cuộc sống người dân khi tái canh

tai-canh-ca-phe-van-toc-do-rua

Người dân chưa được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng phục vụ chương trình tái canh cà phê. Ảnh: T.L

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), có một tín hiệu đáng mừng là hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đã sử dụng phần lớn các giống cà phê mới để trồng tái canh hoặc ghép cải tạo trên toàn bộ diện tích cà phê già cỗi như TR4, TR9, TR11, TR12, TR13… Các giống cà phê mới đều cho tăng năng suất 25,4% so với các giống đại trà, đảm bảo tốt yêu cầu xuất khẩu, kháng cao với bệnh gỉ sắt…

Đảm bảo cho cuộc sống của người dân trong quá trình thực hiện tái canh là cách mà Công ty TNHH MTV Cà phê Đ’rao (Cư M’gar, Đăk Lăk) thực hiện để nâng cao chất lượng gần 600ha cà phê. Được biết, hầu hết diện tích cà phê của công ty được trồng từ năm 1979-1982 nên đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp. Năm 2010, công ty thực hiện tái canh thí điểm 16,6ha với các giống cà phê mới như TR4, TR5, TR9, TR11, TR12, TR13… Chỉ sau 3 năm, cà phê tái canh đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 3-5 tấn/ha. Đây là cơ sở để công ty tiếp tục thực hiện cho những diện tích còn lại.

Để bảo đảm đời sống của công nhân, thay vì giao vườn cây và khoán sản phẩm trên đơn vị diện tích cho người lao động, công ty đã thực hiện trả lương cho công nhân trong suốt quá trình tái canh. Sau khi vườn cây đã phát triển ổn định và bắt đầu cho thu hoạch, công ty mới giao lại cho công nhân chăm sóc và thực hiện nộp sản phẩm như trước.

Có thể thấy, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân trong quá trình tái canh cà phê là vô cùng quan trọng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ giống cây cà phê tốt cho nông dân, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống trôi nổi hiện nay, đồng thời phối hợp với ngân hàng đơn giản hóa các thủ tục vay vốn tín dụng để ngày càng có nhiều nông dân được tiếp cận vốn ưu đãi, đẩy nhanh quá trình tái canh, phát triển ngành cà phê bền vững.

Tác giả: Mai thanh - TTKC

Nguồn tin: Theo Danviet.vn:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây